Khóa học bằng AFC Pro tại Việt Nam kết thúc với việc 5 huấn luyện viên Việt Nam hoàn thành khóa học để đủ điều kiện dẫn dắt các đội bóng hàng đầu châu Á.

Cuối năm 2017, học phần cuối của lớp học huấn luyện viên AFC Pro - bằng cấp cao nhất do AFC tổ chức dành cho các HLV diễn ra tại Việt Nam. Tham dự lớp học này có 24 huấn luyện viên trong nước và 2 đồng nghiệp khu vực Đông Nam Á tới từ Malaysia và Philippines.

Nhiều huấn luyện viên tham dự lớp học, trong đó có cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng. Ảnh: VFF.

Khóa học này bao gồm 4 học phần với những modul độc lập, diễn ra trong vòng 2 năm và được tổ chức tại nhiều nước ở châu lục. Kết thúc khóa học, chỉ 5 huấn luyện viên gồm Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Minh Phương và Lê Huỳnh Đức tốt nghiệp và được cấp bằng.

Chia sẻ sau khi trở thành một trong những huấn luyện viên có bằng cao nhất trong làng bóng đá Việt Nam, HLV Phan Thanh Hùng cho biết: "Khóa học này là một quá trình dài hơi và đầy vất vả. Tính ra, thời gian theo học trôi qua 2 kỳ nghỉ Tết (bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc cuối năm 2017). AFC muốn nâng cao trình độ các HLV Việt Nam, vì thế họ chủ động tổ chức nhiều đợt trong nước và cử người sang tận nơi giảng dạy”, HLV được bầu là lớp trưởng chia sẻ.

5 huấn luyện viên Việt Nam tốt nghiệp lớp học huấn luyện viên AFC Pro. Ảnh: VFF.

Cũng theo ông Hùng, nói là đi học, thực chất ông và các HLV khác phải làm việc liên tục. Khác với việc giảng dạy bằng A, các giảng viên yêu cầu học viên phải liên tục vận động và làm việc không ngừng nghỉ.

Hết thời gian học tập trên sân, mọi người đều được giao chủ đề, bài tập theo từng giai đoạn để tự nghiên cứu và trao đổi với bạn cùng lớp.

Các giảng viên tại lớp này chỉ đóng vai trò tư vấn, giúp đỡ trong việc thực hiện các nội dung của lớp học. Học viên được yêu cầu làm bài tập như phân tích đầy đủ về lối chơi, chiến thuật và mọi thứ của đội bóng mình yêu thích trong suốt mùa giải.

Chưa hết, các học viên phải nộp nhật ký huấn luyện trong 365 ngày theo những đề mục hướng dẫn, đồng thời phải viết bài luận dài 5.000 từ hoàn toàn bằng tiếng Anh.

"Tới cuối khóa học, bài kiểm tra là phần hỏi đáp một thầy một trò trong khoảng 4 tiếng. Chúng tôi phải nói toàn bộ những gì mình nghiên cứu, sau đó phải trả lời những câu hỏi của giảng viên đưa ra”, ông Hùng chia sẻ.

Theo vị thuyền trưởng của CLB Quảng Ninh, việc tham gia lớp học AFC Pro giúp các huấn luyện viên phát triển thêm rất nhiều về chuyên môn sau quá trình học tập căng thẳng.

Ngoài ra, ông còn tiết lộ người đã được cấp bằng sẽ tham gia nhiều hội thảo về huấn luyện, bóng đá do FIFA tổ chức.

“Sau các giải đấu lớn hoặc khi kết thúc mùa giải, bộ phận kỹ thuật của FIFA sẽ tổng hợp và phân tích, sau đó tổ chức hội thảo về một số xu hướng được dự đoán là tương lai hoặc cùng thảo luận vấn đề trong bóng đá”, ông Hùng cho biết.

Việc các HLV được công nhận bằng cấp AFC Pro lần này có ý nghĩa quan trọng. Theo quy định, từ năm 2020, tất cả HLV muốn dẫn dắt một đội tuyển quốc gia bất kỳ tại châu Á đều phải hoàn thành khóa học này. Chi tiết thú vị nữa là thời điểm đó trùng với HLV Park Hang-seo kết thúc hợp đồng cùng VFF.

-------------------------------------------

Theo thông tin báo chí, Sau khi đưa U19 Việt Nam vào vòng chung kết U19 châu Á 2016, Tháng 4.2015 HLV Hoàng Anh Tuấn đã  tự túc sang Genever - Thụy Sỹ, theo đuổi khóa học Pro.License để lấy bằng hành nghề bóng đá chuyên nghiệp do FIFA cấp. Toàn bộ khóa học, ông Tuấn tài trợ cho chính mình với khoản tiền ít nhất 10.000 USD.

Khóa học khởi đầu từ tháng 4.1015 và ông Tuấn đã trải qua 4 học kỳ đầu tại Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc và “học kỳ cuối kéo dài từ ngày 19 - 28.10. Ngoài Việt Nam, các học viên đến từ Phần Lan, Armenia, Thụy Điển, Serbia”, ông Tuấn cho hay. Nội dung khóa học khá phong phú, từ tâm lý học thể thao, quản lý đội bóng chuyên nghiệp, phương pháp chuẩn bị cho một trận đấu, phân tích trận đấu trên nhiều khía cạnh, phương pháp đào tạo bóng đá trẻ và đặc biệt là kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực...

Ông Tuấn chia sẻ: “Khóa học thực sự có chất lượng rất cao. Những kiến thức thu về rất nhiều. Thời khóa biểu kín mít từ sáng đến tối. Nhịp độ diễn ra rất khẩn trương đến mức không còn lúc nào để “thở” nữa. Mỗi ngày, chúng tôi phải làm việc cật lực và cộng với thời gian di chuyển, mất khoảng hơn 10 tiếng. Nhưng được cái là môi trường tại Thụy Sỹ rất tuyệt vời, phong cảnh tuyệt đẹp, nên cũng cảm thấy… đỡ khổ đi một tí”.

Nguồn VHTT & TN